Thực hiện Quyết định 1956/QĐ- TTg, ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án: “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, nhằm tiếp tục tham gia có hiệu quả vào công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, nhiều năm qua, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (DN&HTND) tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động đẩy mạnh công tác dạy nghề, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng lao động nông thôn, giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, mở rộng ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập và xoá đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới.
 |
Sau khi được đào tạo trồng rau an toàn, hội viên nông dân Bùi Văn Khoa xã Địch Quả - Thanh Sơn áp dụng vào cây trồng cho năng suất chất lượng cao. |
Trung tâm đã phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành, thị điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của hội viên, nông dân. Từ năm 2011 đến nay, đã mở 34 lớp với trên 1.200 học viên (đạt tỷ lệ 100%) về chăn nuôi gia súc, gia cầm; thú y; may và thiết kế thời trang; trồng rau an toàn; hàn. Khi học nghề, các học viên được hỗ trợ tiền tài liệu. Đối với con em gia đình chính sách, hộ nghèo, người tàn tật, người dân tộc thiểu số được trợ cấp tiền ăn, tiền xăng xe. Do vậy, số học viên đăng ký học nghề tại trung tâm ngày một nhiều. Cùng với đó, Trung tâm đã mở các lớp dạy nghề gắn với quy hoạch vùng sản xuất của địa phương, từ đó xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, khoa học, bảo đảm nội dung và chất lượng theo quy định; đồng thời hợp đồng với những giáo viên có nhiều kinh nghiệm để giảng dạy gắn lý thuyết với thực hành và tham quan thực tế. Với phương châm, dạy hiểu lý thuyết trên lớp, áp dụng thực hành ngay tại chỗ nên học viên dễ hiểu, dễ làm theo và dễ nhớ. Là một trong những học viên được tham gia lớp trồng rau an toàn khóa đầu tiên, anh Bùi Văn Khoa, xã Địch Quả (Thanh Sơn) cho biết: “Gia đình tôi có 9 sào ruộng trồng rau, Khi chưa học nghề, tôi trồng theo phương thức “cha truyền con nối”, sau khi hoàn thành khóa học, tôi đã biết cách áp dụng KHKT vào sản xuất. Nhờ đó năng suất và chất lượng được nâng lên có việc làm ổn định, thu nhập tương đối khá nên gia đình đã có của ăn của để”. Các học viên sau khi hoàn thành khóa học có thể tự nhận biết, phân biệt được các loại sâu, bệnh, nấm... trên cây trồng, vật nuôi để có cách phòng ngừa, trị bệnh kịp thời, chủ động trong sản xuất và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật. Vì thế, năng suất, hiệu quả trên cây trồng, vật nuôi ngày càng tăng cao, đời sống vật chất của người nông dân dần được cải thiện.
Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề còn gặp nhiều khó khăn như nhận thức của người lao động về ngành nghề, lựa chọn về ngành nghề chưa cao. Nguồn vốn dành cho lĩnh vực đào tạo nghề hạn hẹp. Bên cạnh đó, các cơ sở cũng như người lao động chưa nhận thức rõ lợi ích của công tác đào tạo nghề, vì thế việc hợp tác gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, trình độ học vấn của người lao động thấp, khả năng nhận thức không đồng đều nên việc tiếp thu kiến thức chưa hiệu quả.
Ông Đặng?Việt Anh- Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) cho biết: Thời gian tới, Trung tâm sẽ chủ động phối hợp với các cấp Hội, công ty, doanh nghiệp, chính quyền địa phương làm tốt công tác giải quyết việc làm sau đào tạo nghề. Đồng thời tham mưu cho Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các cấp Hội tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cùng chính sách của địa phương về dạy nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Thúy Hằng