Với nghị lực và quyết tâm vượt khó, dám nghĩ, dám làm, hội viên nông dân Phùng Văn Then, sinh năm 1975, dân tộc mường, chi Hội Nông dân xóm Cháu, xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn đã mạnh dạn đi đầu trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo từ mô hình gia trại.
Gia đình có 5 khẩu và 2 lao động chính, những năm 2000 còn là một hộ gia đình nghèo của xã, với ba gian nhà gỗ lợp tranh, con nhỏ, có 8 sào đất ruộng, 2 ha đất đồi rừng gia đình gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Từ 10 năm trở lại đây được sự quan tâm lãnh chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền địa phương, nhất là BCH Hội Nông dân xã Hương Cần. Bước đầu gia đình đã mạnh dạn vay vốn của ngân hàng Chính sách Xã hội với số tiền 30 triệu đồng, đầu tư chăn nuôi lợn nái sinh sản, lợn thịt, nuôi gà và trồng 2 ha cây keo, dần dần gia đình cũng đã tích lũy được ít vốn. Năm 2010 gia đình anh Then tiếp tục vay vốn của ngân hàng Nông nghiệp với số tiền 200 triệu đồng, mua thêm được 12 ha đất đồi rừng trồng thêm keo và đào ao thả cá. Đến năm 2015 anh Then đã mua được 2 ô tô vận tải để vận chuyển gỗ keo đi bán tăng thu nhập cho gia đình. Hiện nay gia đình anh đã tự quay vòng được vốn sản xuất, thu mua cây nguyên liệu tự khai thác mà không phải qua khâu trung gian, tạo công ăn việc làm cho 5 - 10 lao động.
Từ những khó khăn ban đầu gia đình đã dám nghĩ, dám làm tự vươn lên trong cuộc sống thoát khỏi cảnh đói nghèo phấn đấu vươn lên đạt những thành tích đáng kể: có 8 sào ruộng cấy mỗi vụ thu được 1,2 tấn - 1,5 tấn lúa/vụ thu về 10 – 11 triệu đồng/vụ = 22 triệu đồng/năm. Trồng cây ngô vụ đông hàng năm chủ yếu để phục vụ cho chăn nuôi. Với 14 ha đất đồi rừng gia đình anh đã tập trung trồng keo, thường xuyên sử dụng: 8 - 10 lao động cho việc thu hoạch, chăm sóc, chặt tỉa cây già, chết, làm cỏ, bón phân. Hiện tại: keo năm thứ nhất có 2 ha, năm thứ 2 có 4 ha, năm thứ 3 có 4 ha, năm thứ 5 có 4 ha. Năng suất: 80m3/ha, sản lượng: 500 m3/chu kỳ. Hiệu quả kinh tế sau 1 chu kỳ khai thác 5 năm, hàng năm thu hoạch quay vòng 2 ha tự khai thác và vận chuyển đi bán cho thu nhập: 160 triệu đồng/năm. Trồng cây sắn, xen cây keo: 4 ha, cho thu nhập 40 triệu đồng/năm.
Gia đình nuôi 4 lợn nái, mỗi nái hàng năm xuất 3 lứa lợn mỗi lứa từ 10-12 con, mỗi lứa cho thu nhập từ 14,4 triệu đồng, cả năm cho thu nhập 57,6 triệu đồng. Ao cá với diện tích 1,3 sào, hàng năm bình quân cho thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/năm. Nuôi lợn thịt, mỗi lứa 20 con, nuôi trong 4 tháng, mỗi năm xuất 3 lứa lợn thịt thu được 189 triệu đồng/năm. Ngoài ra anh còn chăn nuôi thêm 1 năm 3 lứa gà, mỗi lứa nuôi từ 100 -150 con thu được 54 triệu đồng/năm. Thu nhập từ dịch vụ vận tải chuyên chở vật liệu như gỗ keo để đem đi bán và thu mua gỗ keo các hộ trong khu dân cư, thu nhập bình quân 1 tháng đạt từ 10 – 15 triệu đồng/tháng. Thu nhập một năm của gia đình đã trừ chi phí đạt 680 triệu đồng/năm.
Hàng năm đã hướng dẫn phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho ít nhất 15 - 20 lao động; tạo việc làm ổn định cho 5 - 10 lao động, giúp đỡ cho 5 - 7 lượt hộ khó khăn về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh. Gia đình luôn chấp hành mọi chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Từ một hộ gia đình còn khó khăn về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm, là hộ nghèo ở địa phương. Đến nay gia đình anh đã vượt khó vươn lên, xây dựng được nhà cửa khang trang, tiện nghi đầy đủ, con cái học hành tiến bộ, 1 cháu đang theo học Đại học, 1 cháu đang theo học THPT, là tấm gương học tập cho nhiều hộ ở địa phương noi theo.
Nguyễn Sơn - Hội Nông dân huyện Thanh Sơn