78 năm trôi qua, kể từ ngày đồng chí Phan Văn Khỏe hy sinh, nhưng cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và những phẩm chất đạo đức trong sáng của đồng chí luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay phấn đấu, rèn luyện và noi theo.
Đồng chí Phan Văn Khoẻ sinh năm 1901 ở làng Mỹ Hạnh Đông, quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Mỹ Hạnh Đông, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Đồng chí là con thứ tư trong gia đình nông dân nghèo, đông con. Dòng họ Phan của đồng chí định cư khá lâu ở xóm Cống Huế, làng Mỹ Hạnh Đông. Dưới thời thực dân Pháp thống trị nước ta, đời sống của nhân dân vô cùng khó khăn, người dân phải lo cái ăn, ít ai được học hành, nhưng gia đình vẫn cố gắng lo cho đồng chí được cắp sách đến trường. Bản thân đồng chí ham học hỏi, đọc nhiều sách báo và hay tìm hiểu các vấn đề đang diễn ra trong xã hội, nên có vốn kiến thức sâu rộng hơn trình độ học vấn của mình.
|
Công trình Nhà lưu niệm đồng chí Phan Văn Khỏe (xã Mỹ Hạnh Đông, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang
(Ảnh: Báo Ấp Bắc) |
Năm 1928, đồng chí là hội viên Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở làng Mỹ Hạnh Đông. Đầu năm 1930, khi chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên phát triển thành chi bộ An Nam Cộng sản Đảng thì đồng chí là một trong những người đảng viên đầu tiên của quận Cai Lậy. Cuối tháng 4/1930, Tỉnh ủy lâm thời Mỹ Tho phân công đồng chí phụ trách phong trào đấu tranh cách mạng ở quận Cai Lậy. Đầu năm 1933, đồng chí được bổ sung vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho. Cuối năm 1933, đồng chí được chỉ định làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, hệ thống tổ chức Đảng từ tỉnh đến cơ sở được phục hồi và phát triển; các tổ chức quần chúng dưới các hình thức bí mật, hợp pháp, bán hợp pháp lần lượt ra đời, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia; phong trào đấu tranh của quần chúng cũng dần được hồi phục và diễn ra ngày càng sôi nổi.
Năm 1935, đồng chí Phan Văn Khỏe là Xứ ủy viên phụ trách tỉnh Mỹ Tho. Với cương vị là Xứ ủy viên Xứ ủy Nam kỳ, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, đồng chí Phan Văn Khỏe đã có công lao to lớn đối với công cuộc khôi phục, phát triển cơ sở Đảng và phong trào cách mạng (1932 - 1935), cũng như lãnh đạo, chỉ đạo cuộc đấu tranh của nhân dân tỉnh Mỹ Tho trong Cao trào vận động dân chủ Đông Dương (1936 - 1939).
Giữa năm 1940, chiến tranh thế giới lần thứ II bước vào giai đoạn ác liệt, thực dân Pháp ở Việt Nam tăng cường đàn áp, khủng bố và thủ tiêu các quyền tự do, dân chủ. Đồng chí là người được Xứ ủy trực tiếp giao nhiệm vụ chỉ đạo thiết kế lá cờ của Mặt trận Thống nhất Dân tộc Phản đế Đông Dương (Quốc kỳ nước ta hiện nay). Từ ngày 21 - 27/7/1940, tại làng Tân Hương, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ thông qua Cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ chính thức của Mặt trận nhằm hiệu triệu, động viên, cổ vũ quần chúng trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Mỹ Tho.
Từ nửa đêm ngày 22 đến rạng ngày 23/11/1940, cuộc khởi nghĩa ở Mỹ Tho bùng nổ. Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Khởi nghĩa, hàng chục ngàn quần chúng nhân dân với băng cờ, khẩu hiệu, đèn đuốc sáng trời đồng loạt nổi dậy, chiếm các đồn bót, trụ sở, giải tán chính quyền địch ở cơ sở, Ủy ban Khởi nghĩa tuyên bố chính quyền về tay nhân dân, hủy bỏ toàn bộ các thứ tô thuế bất hợp lý và thành lập Tòa án Nhân dân tiến hành xét xử bọn ác ôn, có nợ máu với nhân dân...
Tính chung, từ ngày 23 đến 30/11/1940, toàn tỉnh Mỹ Tho có 75/124 làng (xã) đã giành được quyền làm chủ, 15 làng (xã) hưởng ứng theo từng mức độ khác nhau. Hệ thống tề làng, đồn bót ở địa phương hoàn toàn tan rã, một số bị bắt, bị giải tán, số khác sợ phải chạy đi nơi khác để sinh sống.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tiến hành trấn áp bọn phản động; thi hành các quyền tự do dân chủ, bãi bỏ các thứ thuế, sổ sách, khế ước, giao kèo có tính chất bóc lột nhân dân; tuyên bố tự do tín ngưỡng, thực hiện đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, không ngược đãi hàng binh, khoan hồng đối với người lầm đường hối cải, tịch thu ruộng đất và lúa gạo của địa chủ phản động chia cho dân nghèo, nghiêm trị bọn phản động...
Cuộc khởi nghĩa tháng 11/1940 ở Nam kỳ bị thực dân Pháp khủng bố, đàn áp dã man. Đảng bộ Nam kỳ bị thiệt hại nặng nề, hệ thống liên lạc từ Xứ ủy đến tỉnh, quận, làng bị cắt đứt. Lúc bấy giờ, đồng chí Phan Văn Khoẻ vẫn bám địa bàn tại một số địa phương ven Đồng Tháp Mười thuộc quận Cai Lậy (tỉnh Mỹ Tho). Đồng chí đã tìm cách móc nối liên lạc với Xứ ủy và một số cơ sở Đảng trong tỉnh Mỹ Tho. Chỉ sau một thời gian ngắn, đồng chí đã bí mật tập hợp số đảng viên còn lại, củng cố lực lượng.
Sau cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, mặc dù thực dân Pháp tiến hành khủng bố, nhưng đồng chí Bí thư Xứ ủy Nam kỳ Phan Văn Khỏe vẫn kiên cường bám trụ, tích cực chỉ đạo việc khôi phục tổ chức Đảng và phong trào cách mạng ở Nam kỳ. Đồng chí đã có công lớn trong việc khôi phục phong trào cách mạng ở Nam kỳ sau khi cuộc khởi nghĩa Nam kỳ bị thực dân Pháp đàn áp dã man. Nhờ đó, các cơ sở Đảng, từ Xứ ủy, Liên tỉnh ủy, Tỉnh ủy đến tận chi bộ được thành lập lại để tiếp tục lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của phong trào cách mạng ở Nam kỳ, tiến tới cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 giành được thắng lợi rực rỡ.
Ngày 11/7/1941, trên đường đi công tác, đồng chí Phan Văn Khỏe bị địch bắt, chuyển về Cai Lậy. Địch nhận ra đồng chí là Bí thư Xứ ủy Nam kỳ nên chúng dùng mọi cực hình tra tấn dã man hòng khuất phục đồng chí. Nhưng địch thất bại, chúng kết án đồng chí tử hình, sau đó, do đồng chí kháng án, nên hạ xuống chung thân đày ra nhà tù Côn Đảo.
Tại nhà tù, đồng chí mang số tù: C.10018. Trong thời gian bị giam cầm, đồng chí nhận được tin Phan Văn Lữ, con trai cả của đồng chí cũng rơi vào tay giặc, bị tra tấn đến chết tại bót cảnh sát Catinat ở Sài Gòn; rồi lại được tin Phan Văn Nam - người em ruột cũng bị bắt đày ra Côn Đảo, đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Tuy nhiên, những nỗi đau đó đã không làm đồng chí gục ngã. Dù bị giam cầm và bị tra tấn cực hình nhưng đồng chí đã giữ vững khí tiết cách mạng, không ngừng đấu tranh, chống áp bức, khủng bố của kẻ địch ngay trong nhà lao. Trong tù, đồng chí góp phần cùng tổ chức Đảng chỉ đạo cứu tế tù nhân, đấu tranh chống chế độ giam cầm hà khắc của địch và tham gia nhiều khóa huấn luyện chính trị bí mật do tổ chức Đảng tổ chức với một niềm tin trở về với quê hương, với cách mạng tiếp tục cuộc khởi nghĩa mới.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí trở về tiếp tục công tác ở tỉnh Mỹ Tho, được Xứ ủy Nam bộ cử làm đặc phái viên của Xứ ủy và Liên tỉnh ủy miền Trung Nam bộ. Ngày 07/3/1946, trên đường đi công tác, đồng chí bị giặc bắt. Không thể khuất phục đồng chí, ngay trong đêm đó, bọn giặc đã thủ tiêu đồng chí ở gò Bà Đội Phận - một bãi nghĩa địa hoang vắng ở phía đông chợ Cai Lậy (nay là Khu phố 1, phường 4, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang).
Ngày 30/5/1998, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho đồng chí Phan Văn Khỏe, vì có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Kỷ niệm 78 năm ngày hy sinh của đồng chí Phan Văn Khỏe là dịp để ôn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của đồng chí đối với Đảng và dân tộc; qua đó, giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực thi đua học tập, lao động, công tác và chiến đấu góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, thịnh vượng, hạnh phúc và văn minh./.
Theo: dangcongsan.vn