Nói tới Thanh Thủy không chỉ nhắc tới nguồn nước khoáng nóng dồi dào mà còn nhắc tới món nước chấm nổi danh được mọi người ưa chuộng đó chính là Tương làng Bợ. “Nhất Kinh kỳ, nhì Bợ Bạt” là câu ca truyền miệng nói về làng Bợ xưa kia nổi tiếng về giao lưu buôn bán nhộn nhịp trên bến dưới thuyền, trong đó có nghề làm Tương. Tương làng Bợ được các thuyền buôn cất sang khu vực Hà Tây hoặc chở dọc sông Đà để bán ở rất nhiều nơi.
|
Hình ảnh niềm nở của giám đốc HTX Tương làng Bợ
|
Xưa kia, nước mắm rất hiếm nên Tương là gia vị chính trong bữa ăn của người dân, nhất là ở các xã ven sông Đà, không thể thiếu Tương để chế biến các món ăn từ cá. Trải qua những biến động của đất nước, nghề làm Tương Bợ ở khu 3, xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy dần bị mai một nhưng hiện nay, làng nghề đã thành lập Hợp tác xã Tương làng Bợ để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất Tương tương đối ổn định có 7 hộ tham gia với quy mô sản xuất 10 tấn gạo/năm.
Có rất nhiều điều đặc biệt khi nhắc đến Tương làng Bợ. Đầu tiên là Tương làng Bợ được làm từ những nguyên liệu rất tự nhiên, sản xuất từ nông nghiệp nhưng lại cho ra sản phẩm là món nước Tương có hương vị ngon đặc biệt. Thành phần chính của Tương gồm có gạo nếp cái hoa vàng, đỗ tương và muối. Chỉ với những nguyên liệu dễ tìm dễ kiếm này bằng kinh nghiệm được truyền lại người làng Bợ đã cho ra một loại nước chấm có hương vị thơm ngon, đặc trưng của người Việt.
|
Tương làng Bợ màu đỏ đậm đà bắt mắt
|
Điều đặc biệt thứ hai khi nhắc đến Tương làng Bợ chính là hương vị của Tương. Tương có vị ngọt thơm đậm đà của đỗ tương, gạo nếp và muối hòa quyện, màu vàng rất bắt mắt. Khi dùng để kho cá, kho thịt,… sẽ tạo nên màu đỏ nâu rất đẹp. Khi dùng làm nước chấm, tùy vào món ăn cũng như khẩu vị mà có thể có cách pha tương biến tấu khác nhau thêm đường, thêm chanh hoặc tỏi ớt tạo nên loại nước chấm thơm ngon đúng điệu.
Để làm ra nước Tương sánh vàng, đậm đà phải trải qua nhiều khâu chế biến công phu, đòi hỏi kinh nghiệm dày dặn, đôi bàn tay khéo léo và bí quyết riêng của người thợ lành, từ khâu chọn nguyên liệu, ủ muối, ngâm nước đỗ.
Đầu tiên là công đoạn xôi gạo và ủ cho lên mốc, gạo nếp đem ngâm rồi nấu chín thành xôi, quá trình lên mốc khoảng 1 tuần sau đó đem ra nong phơi để cho mốc khô. Đỗ tương rang xong thì đem xay nhỏ và ngâm trong chum sành với nước từ 7 đến 10 ngày để đỗ lên màu vàng đỏ. Nước đỗ được phơi ra ngoài trời cho thơm sau đó mới trộn với mốc khô; bí quyết để làm ra một mẻ tương ngon chính là ở khâu lựa chọn nước ngâm. Nước ngâm đỗ phải bằng nước giếng khơi mạch rừng chứ không được dùng nước đun sôi để nguội, như vậy Tương mới đậm đà, tinh khiết. Trộn đều mốc khô, nước đỗ và muối thành mốc chè, rồi ủ kĩ từ 1-2 tháng trong
|
Quá trình phơi mốc
|
Trong thời gian ngâm ủ Tương, hàng ngày người làm Tương sẽ mở nắp chum, khuấy đều cho thêm nước. Trời nắng thì mở nắp phơi, trời mưa thì phủ kín miệng chum bằng túi nilon để tránh nước mưa. Nắng là một phần quan trọng quyết định đến chất lượng của Tương. Vì thế ở làng Bợ Tương được làm nhiều vào mùa hè và mùa thu vì nhiều nắng thời tiết thuận lợi. Và một mẻ Tương thường được ngâm trong khoảng thời gian từ một đến hai tháng.
|
Phơi tương dưới nắng
|
Sau khi chế biến nước Tương thành công, Tương sẽ được đóng chai, dán nhãn để đem phân phối cho người tiêu dùng ở Thanh Thủy và các tỉnh, thành phố khác trên cả nước.
Tương làng Bợ càng để lâu càng đỏ, càng thơm ngon, ngọt. Vị ngọt đậm đà, thanh sạch và hương thơm đặc biệt, tinh khiết như chính tấm lòng chân thật của những con người tảo tần, lam lũ nơi đây đã làm cho Tương làng Bợ không thể lẫn với Tương của những nơi khác. Trải qua hàng trăm năm, Tương làng Bợ, món ăn dân dã được nhiều người ưa thích, đã góp phần làm cho ẩm thực Thanh Thủy phong phú, đặc sắc.
Tương làng Bợ là thứ nước chấm ngon không thể thiếu khi ăn và chế biến một số món như: bánh đúc, bánh tẻ, chấm rau muống, cà muối, thịt luộc, thịt vịt, kho thịt, kho cá,…
Nghề làm Tương ở làng Bợ không chỉ giúp người dân địa phương tăng thêm thu nhập, mà còn góp phần quảng bá nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của một làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Thanh Thủy, vốn được biết đến là điểm du lịch tắm khoáng, nghỉ dưỡng nổi tiếng của Phú Thọ. Du khách đến với Thanh Thủy vui chơi tại các địa điểm như Đảo Ngọc xanh, Vườn Vua resort, Thanh Lâm resort,… còn có thể tham gia tham quan, trải nghiệm hoạt động làm Tương cùng với người dân nơi đây.
Ngày nay, có thể nhìn thấy những chai tương làng Bợ được làm thủ công mang đậm hồn cốt của vùng Đất Tổ hiện diện trên các gian trưng bày sản phẩm đặc trưng của Phú Thọ tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm tương làng Bợ đã được bán ở những siêu thị lớn, tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Hợp tác xã Tương làng Bợ được thành lập, xây dựng nhãn hiệu tập thể; sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Năm 2019 HTX Tương làng Bợ được chứng nhận là: Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và đã được chứng nhận sản phẩm đạt 3 sao sản phẩm Ocop tỉnh Phú Thọ tháng 10 năm 2020.
|
Sản phẩm tương làng Bợ được trưng bày bán tại Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp-Hội ND tỉnh (Đường Minh Lanh, thành phố Việt Trì)
|
Những chai Tương làng Bợ nhỏ nhắn, vốn không có giá trị to lớn về mặt vật chất, nhưng đằng sau đó gói ghém sự tinh tế, cầu kỳ của những người thợ thủ công và cả hồn quê mộc mạc của vùng Đất Tổ. Chính bởi vậy, bất cứ ai có dịp đặt chân đến Thanh Thủy đều sẽ mang cho một vài chai tương làng Bợ về làm quà cho gia đình và bạn bè.
Mai Hương - Gia Cẩm, Việt Trì