Chiều ngày 02/7/2022, Đoàn đại biểu Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị.
Với lòng biết ơn vô hạn. Trong giờ phút trang nghiêm và xúc động, Đoàn đã thành kính đặt vòng hoa, dâng hương, kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã cống hiến tuổi xuân vì sự yên bình của đất nước.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, Thành cổ Quảng Trị ghi vào lịch sử dân tộc một mốc son vàng, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng bằng cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị trong suốt 81 ngày đêm lịch sử, mùa hè đỏ lửa năm 1972. Trong cuộc chiến đấu khốc liệt ấy, hàng ngàn chiến sĩ giải phóng quân và đồng bào Quảng Trị đã anh dũng hy sinh, vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này.
Tiếp theo, Đoàn đã tới thăm Di tích lịch sử Địa đạo Vịnh Mốc - Di tích lịch sử Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh là công trình kiến trúc quân sự kỳ vĩ dưới lòng đất, ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với khẩu hiệu “quân sự hóa toàn dân, công sự hóa toàn khu vực” quân dân Vĩnh Linh đã tiến hành đào hầm hào, với nhiều công năng: trụ sở, kho hậu cần, trường học, bệnh viện, khu vực sinh hoạt của từng gia đình…, được bố trí khắp các điểm dân cư, dọc đường đi, ven ruộng, bờ biển, được nối thông nhau bằng hệ thống giao thông hào chằng chịt thay cho đường trên mặt đất.
Địa đạo Vịnh Mốc thuộc thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị - dài 1.060,25m (chưa bao gồm các ngách, căn hộ...); chiều cao đường hầm từ 1,7 - 1,8m, gồm có 13 cửa ra vào (có 6 cửa được thông lên đồi, 7 cửa thông ra hướng biển). Dọc hai bên đường hầm, có khoét các ngách nhỏ đủ sinh hoạt cho 2 đến 4 người. Trong hầm còn có hội trường (sức chứa từ 50 - 60 người), làm nơi hội họp, xem phim, biểu diễn văn nghệ... và một số công trình khác như: bảng tin, nhà hộ sinh, 3 giếng nước, nhà vệ sinh, trạm phẫu thuật, trạm xá, bếp nấu ăn (bếp Hoàng Cầm).
Hệ thống đường hầm và các công trình trong lòng đất của địa đạo Vịnh Mốc gồm 3 tầng: Tầng 1 có tổng chiều dài 421,82m, rộng từ 0,90m - 1,1m và chiều cao từ 1,6m - 1,75m, có độ sâu cách mặt đất 8 - 11m, đường hầm có dạng hình vòm, lòng đường, vách, trần đào khá phẳng... Tầng 2 có độ sâu cách mặt đất 11 - 15m, chiều dài 508,08m, cao từ 1,6m - 1,94m, rộng từ 0,8m - 1,1m. Đường hầm có dạng hình vòm cuốn với kết cấu đất đỏ bazan vững chắc.. Trục chính tầng 3 chạy chủ yếu theo hướng Nam rồi vòng qua hướng Đông, dài 130,35m, cao từ 1,6 - 1,74m, rộng từ 0,8 - 1,1m, trần hình vòm cuốn, sâu cách mặt đất từ 21 - 22,5m, có 2 giếng nước, 1 nhà tắm, 5 căn hầm được bố trí so le ở hai bên trục chính, 2 hệ thống cửa (10 và số 12) thông ra biển và cũng có hệ thống đường trục để nối giữa các tầng hầm với nhau.
Ngoài hệ thống đường hầm, địa đạo trong lòng đất, địa đạo Vịnh Mốc còn có các công trình trên mặt đất như: giao thông hào, ụ pháo, kè chắn sóng, nhà trưng bày...
Lê Thị Quỳnh- Trưởng Ban xây dựng Hội, HND tỉnh