Đến khu Quyết Thắng xã Tùng Khê huyện Cẩm Khê tỉnh Phú Thọ hỏi anh Nguyễn Xuân Hòa sinh năm 1990 là chủ trang trại nuôi thỏ thương phẩm New Zealand thì không ai là không biết đến.
Bởi không chỉ mạnh dạn làm kinh tế giỏi, mà còn tích cực tham gia chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ mọi người nên được bà con chòm xóm rất quý mến.
Anh Hòa chăm sóc đàn thỏ
Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã Tùng Khê, cuộc sống luôn “chìm” trong cái khó, cái nghèo nên anh chỉ học hết lớp 9 rồi về nhà phụ giúp gia đình, anh cũng bươn trải đủ thứ nghề từ Bắc vào Nam để kiếm kế sinh nhai, nhưng không bứt phá được cảnh đói nghèo.
Không cam chịu đói nghèo đeo bám, năm 2017 anh Nguyễn Xuân Hòa đã quyết định rời nơi phố thị sầm uất về quê tìm hướng đi mới cho riêng mình, nuôi hoài bão làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.
Nhờ thông qua sách báo, truyền hình, nhận thấy mô hình chăn nuôi thỏ thương phẩm công nghệ cao New Zealand dễ nuôi, sinh sản nhanh và là món ngon trên bàn ăn; mặt khác nuôi thỏ lại đầu tư ít, lợi nhuận cao, quay vòng vốn nhanh, không cần nhiều diện tích, hạn chế rủi ro. Nói là làm anh tập trung ngay vào xây dựng chuồng trại và thả thử nghiệm 100 đôi thỏ thương phẩm. Những ngày đầu mới bắt tay vào chăn nuôi thỏ anh gặp không ít khó khăn, thiếu vốn sản xuất, thiếu kinh nghiệm, đàn thỏ không được chăm đúng cách nên chết gần hết.
Không nản chí anh Hòa tiếp tục nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc đàn thỏ thông qua mạng xã hội, sách báo và các mô hình nuôi thỏ ở nhiều tỉnh thành khác để ứng dụng cho trang trại thỏ của mình. Trời không phụ công người, chỉ sau một thời gian ngắn những chú thỏ sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh. Vừa cho thỏ ăn, vừa tiếp chuyện với chúng tôi , anh Hòa vui vẻ cho biết, năm 2018 sau khi được vay vốn của ngân hàng tôi lại tiếp tục đầu tư xây dựng chuồng trại với tổng diện tích hơn 300m2, có đủ hệ thống phun sương làm mát trên mái nhà, máng nước uống tự động, lồng cách nền nhà 60cm, thoáng mát,…. phát triển được hơn 200 con thỏ bố mẹ, duy trì đàn thỏ thương phẩm hơn 2000 con.
Trang trại chăn nuôi thỏ của anh Hòa được đầu tư khang trang hiện đại
Bình quân mỗi năm, anh Hòa xuất bán ra thị trường khoảng 10-15 tạ thịt thỏ, doanh thu khoảng 500 đến 600 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí được lãi từ 150 - 200 triệu đồng/năm.
Đến nay trang trại nuôi thỏ của chàng trai trẻ Nguyễn Xuân Hòa đã có thương hiệu và được tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh và nhiều tỉnh thành phố như: Hà Nội, Thanh Hóa, Hưng Yên, Lào Cai, Yên Bái. Nhờ có nguồn thu nhập ổn định mà gia đình anh Hòa từ một hộ nghèo, đến nay đã có của ăn của để được xếp vào hộ có thu nhập khá trong xã.
Anh Hòa chia sẻ “Thỏ là loại rất nhạy cảm nên chuồng trại phải thường xuyên dọn vệ sinh, không để tồn phân hai, ba ngày. Bệnh thường gặp ở thỏ là bệnh cầu trùng, loại bệnh này cách trị rất dễ, chỉ cần cân đối lượng thức ăn là thỏ sẽ hết bệnh. Tuy nhiên để phòng bệnh cho trang trại thỏ của mình, anh mời cán bộ thú ý về tiêm vắc xin cho thỏ mẹ 6 tháng/lần, thỏ con từ hơn 1 tháng tuổi sẽ tiêm một lần cho tới khi xuất bán”. Bước chân theo anh Hòa chúng tôi được "mục sở thị" trang trại thỏ hơn 2 nghìn con, trông như những "cục bông" di động, ngoan ngoãn bên trong lồng sắt. 5 dãy lồng sắt được đặt cao ngang lưng người lớn, ngăn thành từng ô nhỏ để cho đàn thỏ ở.
Qua câu chuyện với anh Hòa, được biết, sở dĩ anh chọn nuôi thỏ sinh sản và thương phẩm là vì chi phí đầu tư nuôi thỏ thấp, thời gian thu hồi vốn nhanh; hơn nữa, nuôi thỏ không đòi hỏi khắt khe về kĩ thuật. Chỉ cần giữ gìn vệ sinh chuồng nuôi thỏ đảm bảo thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Loài vật nuôi này ưa sạch nên cần phải dọn dẹp vệ sinh chuồng trại mỗi ngày. Ngoài cho ăn cám cần bổ sung cho thỏ ăn các loại cỏ, lá rau, lá chuối, rau tươi, ngô. Nước uống cho thỏ cũng phải sạch để hạn chế nhiễm bệnh trên đàn thỏe. Bệnh thường gặp trên đàn thỏ là bệnh ghẻ, nên trong quá trình chăm sóc cần phải chú ý quan sát. Khi phát hiện thỏ bị ghẻ thì phải bôi thuốc trị ghẻ, tránh lây lan ra cả đàn.
Với sự quyết tâm không ngừng học hỏi, chịu thương, chịu khó trong lao động sản xuất, gia đình anh không những vươn lên thoát nghèo mà còn trở thành hộ có thu nhập khá nhờ có hướng đi phù hợp. Không chỉ làm kinh tế giỏi mà anh còn chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn về kỹ thuật, cung cấp con giống cho nhiều hộ trong và ngoài xã có nhu cầu chăn nuôi thỏ để cùng nhau phát triển kinh tế
Trần Thị Minh Hải- Chủ tịch HND xã Tùng Khê