Những năm trở lại đây, từ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, trên địa bàn huyện Thanh Sơn đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân với mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả. Ông Trịnh Bá Thông khu Trại Yên xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn thành công với mô hình trang trại tổng hợp là một trong những người như thế. Ghi nhận những kết quả trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần xây dựng quê hương, ông vinh dự là tấm gương “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” giai đoạn 2017- 2022
Ông Trịnh Bá Thông kiểm tra đàn ong mật tại khu rừng của gia đình |
Sinh năm 1960 trong một gia đình thuần nông, năm 1984 ông nhập ngũ, tham gia chiến dịch biên giới tại tỉnh Hà Giang, đến tháng 4 năm 1988 ông xuất ngũ trở về địa phương, xây dựng gia đình và lập nghiệp tại vùng quê nghèo xã Yên Sơn. Cần mẫn, lam lũ canh tác và khai hoang vỡ đất song cái khó, cái nghèo vẫn đeo bám. Trong hoàn cảnh như vậy, là lao động chính của gia đình, ông đã nhiều đêm suy nghĩ, trăn trở, tìm hướng đi mới, làm gì để thoát khỏi cảnh khó khăn, vươn lên làm giàu bằng chính sức lao động và trí óc của mình.
Cuộc sống nghèo khổ đã nhen nhóm và nung nấu ý trí thoát nghèo trong ông. Ông nghĩ, muốn vươn lên thì không có cách nào khác là phải dám nghĩ, dám làm, đặc biệt là đổi mới cách làm. Với lợi thế sở hữu 30 ha diện tích đất đồi rừng, ông Thông đã trồng keo lai hạt ngoại, quy hoạch 5 ha để đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi với 2.000 con vịt, ngỗng, gần 1.000 con gà và 1 ha diện tích mặt nước để nuôi thả các loại cá; trắm, rô phi, chép; gần 100 đàn ong lấy mật; trồng trên 200 gốc bưởi diễn, bưởi da xanh. Ban đầu chưa có kỹ thuật nên gia đình ông cũng gặp nhiều khó khăn, song được sự hỗ trợ của Hội nông dân các cấp, ông đã thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, tích lũy dần kinh nghiệm áp dụng vào mô hình, đến nay đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình, đặc biệt năm 2018, ông đã đầu tư trên 2 tỷ đồng, xây dựng cơ sở vật chất để nuôi khép kín 1.000 con lợn mỗi lứa, bình quân mỗi năm xuất bán 300 tấn thịt lợn hơi. Năm 2021, thu nhập của gia đình đạt trên 1 tỷ đồng, trừ chi phí cho thu lãi từ 500- 600 triệu đồng.
Khu vực nuôi cá của gia đình nông dân Trịnh Bá Thông |
Ông chia sẻ“Muốn phát triển được mô hình kinh tế trang trại cái đầu tiên là có diện tích đất rộng, cách xa dân, địa hình có nguồn nước ổn định và mình phải tư duy và chịu khó lao động thì mới làm được. Đất đai rộng mình học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè đúc kết vào bản thân mình và về mình thực hiện, tổng thu nhập của gia đình tôi mỗi năm khoảng 1 tỷ, trừ tri phí còn 5 đến 600 triệu”.
Với tinh thần sống và hành động theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, ông Thông cùng gia đình luôn có nhiều đóng góp cho phong trào và công tác xã hội tại địa phương. Với vai trò là hội viên nông dân của xã, bằng kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình xây dựng và phát triển mô hình trang trại của mình, ông đã trao đổi và hướng dẫn nhiều hộ gia đình và động viên họ làm theo, cùng nhau phát triển.
Mô hình trang trại tổng hợp của gia đình ông Trịnh Bá Thông được Hội nông dân huyện, Hội nông dân tỉnh khen thưởng, biểu dương “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” giai đoạn (2012- 2017); (2017- 2022). Ông cho biết:Với niềm đam mê nuôi trồng, trong thời gian tới ông dự kiến sẽ mở rộng thêm diện tích, quy mô để phát triển mô hình, trong đó hướng tới các loại vật nuôi có giá trị kinh tế cao nhằm nâng cao thu nhập gia đình, góp sức xây dựng quê hương./.
Phan Thanh Trường- PCT HND huyện Thanh Sơn